Với sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ cùng xu thế toàn cầu hoá làm cho sự ngăn cách giữa các quốc gia ngày càng nhỏ lại, marketing không chỉ dừng lại trong phạm vi một quốc gia mà đã được mở rộng thành marketing giữa nhiều quốc gia. Cùng với toàn cầu hoá, marketing quốc tế ra đời và ngày càng phát triển.
Các định nghĩa này chỉ ra rằng quá trình Marketing quốc tế không phải chỉ là sự lặp lại chiến lược marketing của công ty trên thị trường nước ngoài. Các hoạt động marketing được tiến hành ở nhiều nước và chúng cần phải được nhà quản trị phối hợp với nhau khi triển khai thực hiện chương trình marketing trên thị trường các quốc gia khác nhau. Bên cạnh đó, định nghĩa cũng cho thấy phân phối chỉ là một bộ phận cấu thành của marketing – mix và bốn công cụ 4P cần phải được nhất thể hoá và cần được điều chỉnh cho mỗi thị trường quốc gia riêng biệt.
Hiện nay, do xu thế tự do hoá và quốc tế hoá, marketing quốc tế không nhất thiết phải tiến hành hoạt động ở nước ngoài, mà có khi ngay trên thị trường nội địa các doanh nghiệp có thể tiến hành và tham gia vào thương mại quốc tế. Vì vậy có thể hiểu marketing quốc tế là việc thực hiện các hoạt động kinh doanh, nhằm định hướng dòng vận động của hàng hoá và dịch vụ tới người tiêu dùng hay người mua ở nhiều quốc gia vì mục tiêu lợi nhuận.
Marketing quốc tế thường được chia thành 3 bộ phận chính: Marketing xuất khẩu: Marketing của các doanh nghiệp xuất khẩu với yêu cầu cơ bản là làm thích ứng các chính sách marketing với nhu cầu của thị trường xuất khẩu bên ngoài; Marketing thâm nhập: Marketing của các doanh nghiệp đã tạo ra được một chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu. Thực chất đó là marketing nội địa của các hãng đa quốc gia trên thị trường xuất khẩu; Marketing toàn cầu: Marketing của một số hãng lớn theo đuổi mục tiêu hướng ra thị trường thế giới và thoả mãn nhu cầu của đoạn thị trường quốc tế hoặc của toàn bộ thị trường thế giới.